Các phương pháp tránh thai (Phần 5)

Leave a Comment
8.Kiêng giao hợp âm đạo
- Giao hợp âm đạo là hành động tình dục có dương vật ở trong âm đạo. Kiêng giao hợp có nghĩa là không làm điều đó.
- Hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc vào cách thực hiện. Nếu hai bạn không hề sinh hoạt tình dục thì hoàn toàn không có khả năng thụ thai. Nhưng cũng có thể hai bạn có sự vuốt ve, âu yếm tạo cho nhau khoái cảm tình dục, chỉ tránh không cho dương vật vào trong âm đạo. Như thế gọi là sinh hoạt tình dục không giao hợp âm đạo. Nếu khoái cảm của bạn nam dẫn đến xuất tinh, hai bạn phải cẩn thận không để tinh dịch xuất ra ở gần cửa mình bạn nữ vì chỉ cần một chút tinh dịch rớt vào bên trong âm đạo cũng có khả năng gây thụ thai. Ngoài ra, tinh trùng cũng có thể tồn tại một lượng nhỏ trong chất dịch tiết ra ở dương vật trước khi xuất tinh, do đó cũng không nên để chất dịch đó rơi ở cửa mình bạn nữ.
- Nếu có ý định sinh hoạt tình dục không giao hợp, hai bạn phải cảnh giác với mình, đừng để quá đà thành giao hợp.
9.Xuất tinh ngoài âm đạo
- Đó là khi đang giao hợp, sắp đến lúc xuất tinh, người nam rút dương vật ra khỏi âm đạo, xuất tinh ra ngoài.
- Phương pháp này hiệu quả thấp, chỉ khoảng 60-70%, vì ngay trong dịch tiết ra từ dương vật do hưng phấn tình dục (trước khi xuất tinh) cũng có thể có tinh trùng. Đó là chưa kể trước khi phóng tinh, một vài giọt tinh dịch có thể rơi ra rồi mà người nam không biết, gây thụ thai. Hơn nữa, việc xuất tinh ra ngoài khó thực hiện được đều đặn, vì nhiều khi người nam không dừng lại kịp, xuất tinh từ khi chưa rút dương vật ra.
- Ngoài vấn đề hiệu quả thấp, biện pháp này còn có nhược điểm rất lớn là hai người luôn ở trong tâm trạng căng thẳng đề phòng để có thể rút ra đúng lúc, không “toàn tâm toàn ý” vào việc giao hợp được. Việc rút ra làm giảm nhiều khoái cảm của người nam khi gần đến đỉnh điểm, đồng thời dễ gây hẫng hụt ở người nữ.
- Phương pháp này ít hiệu quả nhưng tại sao anh chị tôi dùng đã bốn năm nay không sao?
- Có lẽ anh chị bạn nằm trong số những người may mắn sử dụng phương pháp này thành công. Nhưng cũng có khả năng là anh chị bạn bị vô sinh hoặc kết hợp phương pháp này với tính vòng kinh, tức là những ngày có khả năng thụ thai cao thì không giao hợp.
Câu hỏi thường gặp:
- Xuất ra “ngoài” có phải dễ gây có thai “ngoài” dạ con không?
Thắc mắc này chứng tỏ bạn còn chưa hiểu kỹ về cơ chế thụ thai và hiện tượng thai ngoài dạ con, có thể còn chưa hiểu rõ về hệ sinh dục phụ nữ. Có thai, dù là trong dạ con hay ngoài dạ con đều là do tinh trùng vào đến ống dẫn trứng, gặp được trứng. Xuất tinh ngoài âm đạo nếu thất bại gây có thai, thì tỷ lệ thai bình thường và thai ngoài dạ con không khác gì so với trường hợp xuất tinh trong âm đạo. Hai chữ “ngoài” ở đây hoàn toàn khác nhau.
10. Tính vòng kinh
- Tính vòng kinh là theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, tính ra thời kỳ mà nếu giao hợp thì có khả năng thụ thai cao (thời kỳ không an toàn) để kiêng giao hợp hoặc dùng một biện pháp bổ trợ (như bao cao su) trong thời kỳ đó.
- Phương pháp này hiệu quả thấp vì kinh nguỵệt phụ nữ có những dao động thông thường (vài ba ngày) và dao động bất thường (một tuần, nửa tháng do căng thẳng về tinh thần hoặc ốm đau) nên việc tính có thể không chính xác. Vả lại, có những chu kỳ không có trứng rụng, sau đó trứng có thể rụng bất cứ lúc nào, không nhất thiết trong khoảng thời gian tính được. Đó là chưa kể thời gian không an toàn tính ra khá dài nên nhiều khi đôi lứa khó kiềm chế. Áp dụng phương pháp này, nhiều cặp vợ chồng, nhiều cặp bạn trẻ đã thụ thai ngoài ý muốn. Nếu ở vùng hẻo lánh, xa đường đi lại, không đến được hiệu thuốc hay trạm xá, bạn cũng có thể dùng phương pháp này nhưng đáng tiếc là dù tính chính xác thì bất trắc cũng có thể xảy ra.
Cách tính: Có nhiều phương pháp tính như đếm ngày, cảm nhận sự rụng trứng, theo dõi nhiệt độ cơ thể, theo dõi chất dịch cổ tử cung. Những phương pháp này đều phức tạp. Sau đây, chúng tôi xin trình bày một cách đơn giản nhất:
Bạn theo dõi khoảng 6-8 chu kỳ kinh nguyệt (chu kỳ được tính từ ngày bắt đầu hành kinh đến ngày cuối cùng trước đợt hành kinh tiếp theo). Chỉ khi các chu kỳ không chênh nhau quá 2 ngày, bạn mới có thể áp dụng cách tính này:
- Lấy số ngày của chu kỳ ngắn nhất trừ đi 20, được ngày không an toàn đầu tiên.
- Lấy số ngày của chu kỳ dài nhất trừ đi 10, được ngày không an toàn cuối cùng.
Ví dụ: Lan theo dõi kinh nguyệt của mình và thấy:
- Chu kỳ thứ nhất dài 29 ngày
- Chu kỳ thứ hai dài 30 ngày...
- Đến hết chu kỳ thứ tám, Lan thấy các chu kỳ dao động rất ít, chỉ từ 29 đến 31 ngày.
- Lan tính: 29 - 20 = 9; 31- 10 = 21.
Vậy thời kỳ không an toàn của Lan là từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 21 trong mỗi chu kỳ. Có nghĩa là trong những ngày này, Lan không nên có quan hệ tình dục mà không sử dụng một biện pháp tránh thai nào.
Tại sao tôi nghe người ta nói tính vòng kinh đơn giản là trứng rụng ngày thứ 14 của chu kỳ?
Có người quan niệm rằng vòng kinh phải là 28 ngày, và đối với vòng kinh đó, trứng thường rụng khoảng 14 ngày trước khi hành kinh lần sau, cũng là ngày thứ 14 của chu kỳ. Nhưng trên thực tế, ít người có vòng kinh như vậy. Đa số phụ nữ có vòng kinh dài hơn, hoặc ngắn hơn và có dao động. Chính vì thế mà cách tính trứng rụng ngày thứ 14 đã khiến nhiều người bị vỡ kế hoạch.
11. Cho con bú
- Nếu bạn mới sinh con chưa được 6 tháng, chưa có kinh trở lại và đang cho con bú hoàn toàn thì có thể nhờ đó mà tránh thai. Cho con bú hoàn toàn là chỉ cho bé bú mẹ, cho bú liên tục, bất cứ khi nào bé muốn bú, không cho bé ăn uống gì thêm. Nếu đủ các điều kiện này, hiệu quả tránh thai khá cao, khoảng 98%. Lý do là việc cho con bú trong thời gian này tác động đến việc sản xuất các hoóc môn của người mẹ, ức chế sự rụng trứng.
- Tuy nhiên, biện pháp này thuộc loại “kém hiệu quả” vì chỉ cần một trong 3 điều kiện thay đổi, có nghĩa là nếu con bạn đã được hơn 6 tháng, hoặc đã hành kinh trở lại, hoặc cho con bú không hoàn toàn thì tác dụng tránh thai không còn nữa. Bạn phải sử dụng một biện pháp tránh thai khác.
Sau khi sinh tôi ra máu, vậy không dùng được cách này ư?
Thời gian đầu sau khi sinh, sản dịch tiếp tục ra, nhưng nếu vẫn cho bú hoàn toàn thì việc ra máu trong vòng 4 tuần sau khi đẻ không được coi là hành kinh. Nếu chưa được 4 tuần sau khi sinh thì bạn vẫn chưa hành kinh trở lại. Và nếu bạn có đủ các điều kiện khác, bạn có thể sử dụng phương pháp này.
Nhỡ đâu tôi rụng trứng từ trước khi có kinh trở lại thì sao?
Nếu chưa hết 6 tháng sau khi sinh, lại cho bú hoàn toàn thì khả năng có trứng rụng trước đợt hành kinh là rất thấp, do vậy không mấy nguy hiểm. Nhưng khi đã quá 6 tháng sau khi sinh, dù bạn chưa có kinh cũng có thể thụ thai vì khả năng rụng trứng trước khi hành kinh đã tăng lên nhiều.
12.Các cách tránh thai nhảm nhí
Sau khi trình bày các biện pháp “hiệu quả” và các phương pháp “kém hiệu quả”, chúng tôi không thể không kể tên vài cách nữa, nhưng với mục đích là để nếu bạn có nghe nói đến thì cũng đừng tin và đừng theo. Đó là giao hợp đứng, rửa âm đạo ngay sau khi giao hợp, uống nước dừa, ăn đu đủ... Các cách này chẳng có tác dụng chút nào vì nó không ngăn được trứng và tinh trùng kết hợp và phát triển thành thai nhi. Muốn tránh thai, bạn hãy dùng một trong các biện pháp “hiệu quả”. Nếu cố dùng các cách nhảm nhí này, bạn rất có thể sẽ thụ thai đấy.
xem các bài trước >>> 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét