Các phương pháp tránh thai an toàn hiệu quả (Phần 2)

Leave a Comment
Phần 2: Phương pháp tránh thai hiệu quả (vòng tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc diệt tinh trùng)
3. Vòng tránh thai: là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Gọi là “vòng” vì mấy chục năm trước ta dùng loại có hình tròn như cái nhẫn chứ thực ra, vòng có nhiều loại như hình chữ S, chữ T... Hai loại thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2-3 cm, giúp kiểm tra vòng còn ở đúng vị trí hay không.
- Vòng tránh thai ngăn không cho trứng làm tổ ở niêm mạc tử cung, đồng thời cũng cản trở sự gặp gỡ giao duyên của trứng và tinh trùng. Biện pháp này đạt hiệu quả khoảng 98%.
- Nhược điểm của biện pháp này là không phải ai cũng sử dụng được. Nếu không hợp, nó sẽ khiến bạn đau bụng, đau lưng hoặc ra máu kinh nhiều, thậm chí gây thiếu máu.
- Một nhược điểm nữa là khi mang vòng, nếu bạn bị viêm nhiễm đường sinh dục thì viêm nhiễm có thể theo vòng lan lên trên, gây viêm phần phụ và có thể gây chửa ngoài tử cung. Vì vậy, trước khi đặt vòng, bạn cần được khám phụ khoa để nếu có viêm nhiễm thì chữa khỏi trước khi đặt vòng. Nếu trong thời gian mang vòng mà thấy có triệu trứng viêm nhiễm như dịch âm đạo vàng, xanh, ra nhiều, mùi hôi khó chịu, âm hộ ngứa ngáy, bạn hãy đi khám ngay để được chữa trị. Khi điều trị, cán bộ y tế có thể tạm tháo vòng, trong thời gian đó, bạn hãy sử dụng một biện pháp tránh thai khác.
- câu hỏi thường gặp
    + Hình như vòng của tôi nó rơi ra, làm thế nào bây giờ?
    Bạn hãy đến gặp cán bộ y tế yêu cầu xử lý. Đừng tự tay lấy vòng ra, làm vậy có thể gây tổn thương tử cung, cổ tử cung, âm đạo
    + Nếu đặt vòng mà thấy đau bụng hay có vấn đề khác thì sao?
    Bạn hãy đi khám. Nếu vòng không đúng vị trí, cán bộ y tế sẽ đặt lại cho bạn. Nếu không thích, bạn có thể yêu cầu tháo vòng, nhưng phải sử dụng một biện pháp tránh thai khác ngay lập tức.
    + Tôi chưa chồng mà đặt vòng thì có sao không?
    Cán bộ y tế thường không muốn đặt vòng cho người chưa có con vì viêm âm đạo là một bệnh khá phổ biến. Họ sợ bạn không may bị các vi khuẩn gây viêm lan lên ống dẫn trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

4.Thuốc tiêm tránh thai
- Thuốc tiêm tránh thai hiện nay đã có ở một số tỉnh thành, nhưng chưa được bán rộng rãi trong cả nước. Đây là hoóc môn progesteron, chỉ tiêm một lần vào bắp. Progesteron sẽ tiết dần vào cơ thể, giúp bạn gái tránh thai trong một thời gian dài (có loại 1 tháng và 3 tháng). Biện pháp này đạt hiệu quả rất cao, gần 100%. Nhược điểm của nó là làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể thấy ra kinh nhiều hơn, ra máu giữa hai kỳ kinh hoặc không thấy kinh. Tuy vậy, điều này không có hại.
- Một số biện pháp tránh thai dùng hoóc môn khác: Nước ta hiện đang thử nghiệm thuốc cấy Norplant. Đó là hoóc môn progesteron đựng trong những gói plastic nhỏ hình que, được cấy dưới da người phụ nữ. Từ các gói này, hoóc môn tiết vào cơ thể, có tác dụng tránh thai trong thời gian tối thiểu là 5 năm. Ngoài ra, các biện pháp hoóc môn dùng cho nam giới cũng đang được nghiên cứu.
5.Thuốc diệt tinh trùng
- Đây là biện pháp khá mới ở Việt nam. Nó không phải là hoóc môn mà là một loại hoá chất có tác dụng diệt tinh trùng. Thuốc diệt tinh trùng có nhiều dạng như bọt, kem, viên đặt. Cách sử dụng rất đơn giản: Khoảng 15 phút trước khi giao hợp, người nữ đưa thuốc vào trong âm đạo, chú ý phải đưa sâu đến tận cổ tử cung để thuốc lan ra khắp vùng cổ tử cung. Tinh trùng gặp thuốc sẽ ngừng hoạt động.
- Nếu được sử dụng thường xuyên, đúng theo hướng dẫn, thuốc diệt tinh trùng sẽ đạt hiệu quả 94%. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng trên thực tế thấp hơn do không đưa thuốc vào sâu, hoặc đưa vào chưa được 15 phút đã giao hợp khiến thuốc không lan khắp vùng cổ tử cung. Ở phương Tây, nhiều người dùng thuốc diệt tinh trùng kết hợp với bao cao su, hiệu quả rất cao.
- Điểm bất lợi của phương pháp này là giá hơi cao. Ngoài ra, một số phụ nữ gặp tác dụng phụ là âm đạo bị nấm hoặc có cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu này không kéo dài. Nếu muốn sử dụng, bạn đừng ngại. Cứ dùng thử xem thuốc có phù hợp với mình không đã, nếu khó chịu thì hãy thôi dùng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét